Tết Đoan Ngọ là ngày ăn bánh ú
Bánh ú bây giờ ăn chán lắm, thiếu đi cái “lửa” của tấm lòng, có cảm tưởng bánh này nấu rất nhanh chín, hạt gạo còn nguyên hình, cắn vào có cảm giác “Thật là một cái bánh ú khó chịu và ngang bướng”
Sáng nay hối hả đi làm, nhìn đồng hồ từng phút một để xem mình có qua “định mức” phút nào không. Ngày nào cũng canh rất kĩ mà sao cứ phải tốn vài nghìn cho dăm phút đi trễ, cứ một phút là một nghìn đồng. Vội vã là vậy, phóng như bay trên đường nhưng cũng kịp nhìn thấy mấy chiếc xe đạp treo lủng lẳng những xâu bánh ú xanh xanh.
Đến cả Tết Nguyên Đán – một phong tục cổ truyền – đang dần đi vào quên lãng, thì vị trí của Tết Đoan Ngọ cũng chẳng khấm khá hơn là bao trong lòng người dân thành phố. Mình nghĩ vậy. Vì mình chẳng có ấn tượng gì về ngày này ngoài bánh ú.
Tết Đoan Ngọ là ngày ăn bánh ú!
Mau thật nhỉ, mới đó mà lại hết nửa năm.
Tết Đoan Ngọ đối với một người thành thị như mình, và những đứa em mình, chỉ đơn giản là ngày được ăn bánh ú, ngoài ra chẳng có gì đặc biệt hơn để mà thương, mà nhớ, mà mong.
Hương vị của bánh ú bây giờ cũng nhạt nhòa dần theo năm tháng, ăn không còn cảm thấy cái sự háo hức và thi vị trong từng miếng bánh như ngày xưa nữa.
Ngày xưa ấy…
Một chục bánh ú chỉ có vài ngàn, tính ra chỉ có hai trăm đồng một cái không nhân và chưa đến năm trăm đồng một cái có nhân. Mẹ mình có thể mua được vài chục bánh cho cả nhà và cho cả họ hàng, hàng xóm. Mình nhớ ngày ấy, hàng xóm vẫn mang biếu nhau chục bánh lấy thảo, gọi là cho có không khí. Biếu qua biếu lại rồi cũng huề cả làng, thật tình chẳng nhà nào dư ra cái nào nhưng cũng cảm thấy ấm lòng vì tình làng nghĩa xóm. Cái bánh ú ngày xưa nó không to cộ như bây giờ. Bánh mềm, hơi dẻo, được buộc bằng dây lạt chứ không phải dây nilon xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng kiểu thời thượng polyme. Bánh ú không nhân trong trong màu ngọc, chấm với đường cát trắng, nhai nhẩn nha trong miệng cốt để hưởng thụ cái dai dai, thanh thanh và thơm mùi ngai ngái của gạo nếp ngâm nước tro. Còn bánh có nhân có thêm nhân đậu xanh. Nhân mềm và ngọt vừa vặn, có màu hơi nâu vì đậu xanh đãi vỏ hấp chín nghiền nhuyễn được xào với đường tán, ăn có cả vị của thốt nốt… Bánh ú bây giờ ăn chán lắm. Nếp cũng trong, ăn cũng thấy dai mà thiếu đi cái “lửa” của thời gian, có cảm tưởng bánh này nấu rất nhanh chín, hạt gạo còn nguyên hình, cắn vào có cảm giác “Thật là một cái bánh ú khó chịu và ngang bướng”
Ngày xưa ấy, những ngày mà con người ta còn thật thà và vô tư, tin tưởng và yêu đời khi ăn uống. Sẽ chẳng bao giờ tự dằn vặt và làm khổ mình bằng những câu hỏi kiểu như: “Không biết bánh này có hàn the hay chất…gì gì đó làm ung thư không nhỉ?”.
Ngày xưa ấy, những ngày mà người ta không phải đau đầu vì bão giá và đau…túi tiền vì chục bánh ú bây giờ đắt gấp 10 lần ngày xưa. Lỡ có ai hồn nhiên quá, một mình ăn hết cả đĩa bánh mời khách thì cũng không có chuyện gia chủ mồm rôm rả tươi cười “Ừ, ăn đi, ăn nhiều vào vì mấy khi có dịp” mà trong lòng “ăn đi, ăn cho sáng con mắt mày mà tối con mắt tao”…
Nói chung, bánh ú ngày xưa “thiên nhiên” và dễ thương hơn nhiều! (Đó là các cụ nói vậy)
Tết Đoan Ngọ nhà mình chỉ có thế. Nhiều hơn thì có thêm bó lá xông treo trước cửa ra vào, ai cũng phải đi dưới bó lá ấy như một cách giết sâu bọ và loại trừ những điều không may mắn. Nhà mình không có cơm rượu, không chè trôi nước và không…gì nữa thì mình cũng không biết. Vì mình chỉ biết có vậy.
Bà ngoại mình thì mong đến Tết Đoan Ngọ để đúng 12h trưa ngửa mặt về hướng mặt trời, nhìn ông ấy và chớp chớp mắt “làm duyên” vài cái. Bà nói làm thế để mắt sáng hơn, khỏe hơn và không bị “mắc phông lông”. Thì ra bà ngoại mình đã có công thức giúp cho đôi mắt sáng khỏe từ ngàn đời nay rồi mà không thèm chấp cái thằng Vrohto. Từ khi bà nói thì mình mới biết. Và mình cũng manh mún kế hoạch làm giàu với ý tưởng “Ánh nắng mặt trời đóng chai – thuốc nhỏ mắt siêu sang chảnh cho mọi thời đại” rồi đó…
Ôi, quả thật nhờ sống chung với bà ngoại mà mình có rất nhiều kiến thức “chỉ bà ngoại mới biết”.
Và lâu lâu cũng phát ngôn được vài câu “chỉ bà ngoại mới hiểu”.
Chợt nhớ ra là mình đã quên đưa tiền để mẹ mua nhiều nhiều bánh ú một chút. Nhưng mình chắc chắn là dù mình không nhớ thì bao giờ mình cũng có bánh ú để ăn. Mẹ thương mình lắm mà. Dù cho con là hũ mắm ủ gần 30 năm, chưa có chồng, thì cũng là con của mẹ.